NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)!

Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch Pù Luông

Đăng lúc: 08:18:38 27/08/2023 (GMT+7)1412 lượt xem

 Du lịch là ngành công nghiệp không khói và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Phát triển du lịch bền vững là một trong những điểm trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, trong đó có điểm du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông; qua đó, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giữ gìn các giá trị, bản sắc văn hóa, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.
2.jpg
Góc nhìn toàn cảnh của điểm du lịch sinh thái cộng đòng Pù Luông
 
Xã Thành Lâm, huyện Bá Thước được thiên nhiên ưu đãi bởi khí hậu trong lành mát mẻ, nhiều cảnh quan đa dạng. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù luông có hệ thống thảm thực vật phong phú. Chính những tiềm năng nổi bật đó đã góp phần đưa Pù Luông đến với bạn bè quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với đó, Pù Luông còn có các hoạt động văn hóa đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Sản phẩm du lịch lịch sử, tâm linh có lễ hội Căm Mương, lễ hội cơm mới, ngày hội văn hóa các dân tộc bản địa... Sản phẩm du lịch văn hóa gồm: tìm hiểu giá trị Mo me, lễ cưới, thưởng thức các điệu khặp Thái, Khua luống, các chương trình văn nghệ, ẩm thực mang đậm sắc thái văn hóa bản địa. Đây chính là nguồn tài nguyên phong phú, đặc sắc của xã Thành lâm để khai thác, phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân.
3.jpg
Ngày hội vă hóa của đồng bào dân tộc Thái tại Pù Luông
 
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thành Lâm đã có nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của cha ông, góp phần to lớn vào việc bảo vệ xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển du lịch trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xã, tạo nên thương hiệu cho du lịch Thành Lâm; từ đó, nâng cao chất lượng du lịch, đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực du lịch, phát triển phong phú các sản phẩm du lịch sẵn có tại địa phương.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở Thành Lâm vẫn còn những hạn chế. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất của xã chưa đồng bộ, chưa khai thác hết tiền năng, lợi thế về du lịch. Hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết giữa các hoạt động và tính chuyên nghiệp còn hạn chế; chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng. Ngoài ra, công tác xã hội hóa để phát triển du lịch còn chậm; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn nhiều hạn chế; các điểm có tiềm năng phát triển du lịch chưa được đầu tư xây dựng thành tuyến, điểm du lịch cụ thể.
4.png
Chương trình văn giao lưu văn nghệ của các cô gái Thái
 
Từ thực trạng này, cấp ủy và chính quyền địa phương đã đề ra các giải pháp đồng bộ để du lịch dựa vào cộng đồng phát triển bền vững. Cụ thể như sau:
Một là,đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Theo đó, Uỷ ban Nhân dân xã cần phối hợp với các đơn vị liên quan và các thôn chủ động thực hiện và tham mưu cho Đảng ủy tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức Đảng các cấp, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về các quan điểm mới của Đảng, trong đó đề cập đến vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch là thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và bản chất của ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao và nội dung văn hoá sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.
Đồng thời, xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nhân rộng các mô hình, tổ chức, cá nhân tiêu biểu về phát triển du lịch ở địa phương. Ngoài ra, cần phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí và các đơn vị liên quan thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình để phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch trong xã hội; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Thành Lâm, bảo đảm du lịch là một trong những nội dung trọng tâm, thường xuyên trong các chương trình truyền thông của xã.
Bên cạnh đó, Ban quản lý, phát triển du lịch xã Thành Lâm cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, quản lý, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức và kiến thức về du lịch trong xã hội; nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch.
5.jpg
Gian hàng truyền thống của Hội Phụ nữ xã Thành lâm tại Lễ hội văn hóa
 
Hai là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. UBND xã cần phối hợp với phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì công tác rà soát, xây dựng và thực hiện các đề án, dự án nhằm hoàn thiện chất lượng dịch vụ, hạ tầng đường bộ chuyên dùng phục vụ du lịch và các điểm dừng nghỉ trên đường bộ; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hỗ trợ phát triển du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch, đặc biệt các dự án đầu tư hạ tầng giao thông tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch; đề nghị tổ chức lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch và tăng cường công tác quản lý xây dựng theo các đồ án quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo việc bảo tồn, phát huy các giá trị kiến trúc, cảnh quan, bảo vệ môi trường, phát triển và kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại khu, điểm du lịch trên địa bàn xã.
Ba là, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương.Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch xã Thành Lâm gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Thái; triển khai, theo dõi, định kỳ đánh giá hình ảnh thương hiệu để có biện pháp định vị thương hiệu phù hợp với từng thời điểm và thị trường. Xây dựng và triển khai chương trình liên kết các lĩnh vực văn hóa, thể thao, văn học - nghệ thuật, truyền thanh - truyền hình... trong xúc tiến quảng bá du lịch. Tăng cường công tác công tác quản lý, bảo tồn, phục hồi tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, thắng cảnh trên địa bàn, là điểm đến thu hút khách du lịch; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; sưu tầm, bảo tồn và hướng dẫn các loại hình nghệ thuật dân gian, các môn thể thao truyền thống trong các lễ hội và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Bốn là, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.Thành Lâm cần chú trọng rà soát, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh du lịch; tham mưu đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch; tổ chức định kỳ các buổi gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp du lịch và các hộ làm du lịch cộng đồng; chú trọng công tác khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
Năm là, phát triển nguồn nhân lực du lịch bản địa. Vận động các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nâng cao tiêu chí tuyển dụng, có chính sách thu hút người tài, chủ động có kế hoạch đào tạo và tích cực cử lao động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề của tỉnh, huyện tổ chức; phối hợp thật tốt với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho lao động trong ngành du lịch; thực hiện thật tốt kế hoạch hỗ trợ đào tạo cho con em tại địa phương theo học chuyên ngành du lịch để về phục vụ và làm việc tại quê hương, khắc phục tình trạng thiếu việc làm hiện nay.
Hi vọng rằng, những giải pháp trên sẽ góp phần xây dựng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, được nhiều người biết đến, đặc biệt là khách quốc tế, mở ra một hướng phát triển mới cho nền kinh tế địa phương cũng như ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh Thanh Hoá./.
 Học viên: Lương Thị Huyền
 Lớp: TCLLCT A6 K50
Số lượt truy cập
Hôm nay:
531
Hôm qua:
1628
Tuần này:
4199
Tháng này:
73200
Tất cả:
5.297.431