NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả của việc tự học theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 15:16:27 03/01/2023 (GMT+7)1064 lượt xem

 Nâng cao hiệu quả của việc tự học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên
Nhà trường theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là công việc hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn phát triển giáo dục hiện nay bởi đội ngũ giáo viên là nhân tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục; nhờ đẩy mạnh tự học thường xuyên, học suốt đời sẽ trở thành những giáo viên vừa hồng vừa chuyên, vừa có khả năng thích ứng với xu thế của thời đại.
ts.jpg
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Hợp Lý, huyện Triệu Sơn
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng để cho mỗi chúng ta học tập suốt đời. Và một trong những tư tưởng đạo đức mà Người để lại cho đời là khả năng tự học, tự trau dồi bản thân. Theo Người, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định tạo nên trí tuệ. Bằng tấm gương tự học và học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt, Người đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo. Tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương,Người từng nói: “Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”.
Lời dạy của Bác qua những bài học bổ ích mà thầy cô Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá truyền đạt, càng làm cho tôi thêm thấm thía về việc tự học để hiểu sâu hơn mục tiêu xây dựng xã hội học tập suốt đời. Trong những kỳ học lý luận chính trị ở Trường, tôi luôn trăn trở về con đường tự học tập của bản thân cũng như của tất cả cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, nơi tôi đang công tác. Bằng những kiến thức và kỹ năng được học từ thầy cô Trường Chính trị, tôi vận dụng, tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả của việc tự học theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngôi trường Mầm non Hợp Lý thân yêu; những mong đóng góp trí tuệ nhỏ bé để qua đó mỗi giáo viên Nhà trường phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên dựng xây đất nước bằng những hành động cụ thể, kịp thời.
Google Chrome_2023-01-03 15-03-37@2x.jpg
Trường Mầm non Hợp Lý nằm trên địa bàn xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn. Từ một ngôitrường chỉ có các lớp học bằng tranh tre, nứa lá, cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, sau gần 45 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, đến nay Nhà trường đã có 01 khu trung tâm với 12 phòng học và đầy đủ các phòng hiệu bộ, chức năng; có khu vui chơi chơi ngoài trời với nhiều đồ chơian toàn, hấp dẫn; khuôn viên Nhà trường xanh, sạch đẹp, thoáng mát, thân thiện với trẻ. Hiện nay, Nhà trường chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục 329 trẻ, chia thành 12 nhóm lớp. Trong những năm qua, Nhà trường đã gặt hái được nhiều thành tích; đặc biệt, năm 2019, Nhà trường vinh dự đạt chứng nhận Trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.  
Mặc dù chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục của Nhà trường nói chung, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nói riêng đã được nâng lên rõ rệt so với những năm về trước những trên thực tế vẫn còn tình trạng giáo viên còn thụ động với bài giảng; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng còn chưa cao; khả năng tự nghiên cứu tài liệu, ứng dụng những đổi mới tiến bộ vào công tác giảng dạy còn rất hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được với yêu cầu đổi mới, mục tiêu phát triển giáo dục mầm non hiện nay của tỉnh nhà.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên đó là: Một số giáo viên có tuổi vẫn còn nặng lối mòn tư duy xưa cũ, chậm thay đổi, ngại thay đổi; hay tình trạng thiếu giáo viên trên nhóm/ lớp gây căng thẳng, áp lực cho giáo viên; chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên đang còn thấp nên vẫn có nhiều giáo viên chưa thực sự yên tâm công tác; một bộ phận không nhỏ giáo viên đang có tình trạng lười học, lười nghiên cứu thêm tài liệu, lười cập nhật những kiến thức mới. Và rất nhiều những lý do được đưa ra bao biện cho việc lười tự học như: có tuổi rồi việc tiếp thu chậm; công việc gia đình, con cái bộn bề nên không còn thời gian rảnh để tự học; tư tưởng “tối ngày đầy công” nên không cần cống hiến hết mình; lười đọc sách, lười tư duy…
Bên cạnh đó cũng phải kể đến nguyên nhân: Nhà trường chưa có quy chế, quy định nghiêm ngặt trong việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp, đạo đức lối sống của đội ngũ giáo viên. Tuy đầu năm học nhà trường đã xây dựng quy chế nội bộ, quy chế chuyên môn, chỉ tiêu để đánh giá thi đua nhưng biện pháp và cách thức thực hiện chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng buông lỏng trong kiểm tra, giám sát.
Do đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên Nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, Trường Mầm non Hợp Lý cần nâng cao chất lượng tự học, tự bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn trường bằng các giải pháp sau:
Thứ nhất,nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tự học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường. Cần phải tuyên truyền, giáo dục để tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhận thấy rõ được việc tự học có vị trí, ý nghĩa quan trọng, giữ vai trò chủ đạo. Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tác dụng của việc tự học sẽ giúp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên có thái độ và hành vi học tập đúng đắn, tự giác, tích cực suy nghĩ, tìm tòi, khám phá tri thức để hoàn thành các nhiệm vụ học tập, vững vàng trong công tác chuyên môn. Trong các buổi sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chuyên môn, Chi ủy, Ban Giám hiệu nhà trường phải thường xuyên lồng ghép đưa nội dung tự học cho cán bộ, giáo viên và nhân viên thực hiện. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên phải chủ động, tích cực trong tìm tòi, với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học; có nhận thức, thái độ, động cơ đúng đắn, có niềm tin vào chính mình, say mê hứng thú để trau đồi tri thức, tìm tòi phương pháp học tập, tự học phù hợp với khả năng nhận thức của mình, không máy móc, thụ động trong hoạt động tự học, không khuất phục trước những khó khăn trong quá trình học tập, rèn luyện. Để quá trình tự học đạt hiệu quả cao thì cần phải gắn việc tự học với nhiều phong trào thi đua trong nhà trường, có khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với những cá nhân, tập thể thực hiện tốt.
Thứ hai, đưa nội dung tự học vào quy chế làm việc, thi đua, khen thưởng trong Nhà trường. Cần nghiên cứu, xây dựng,ban hành các nội quy, quy chế làm việc của cơ quan; trong đó nội dung tự học là một trong những nội dung quan trọng nhằm xây dựng cộng đồng học tập trong trường mầm non; xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, giáo viên phù hợp với yêu cầu của thực tiễn của địa phương tạo môi trường để mỗi cán bộ, giáo viên có điều kiện cống hiến, phát huy trí tuệ. Đồng thời, cũng phải xây dựng được cơ chế phù hợp nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên sáng tạo trong công việc. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, động viên khích lệ kịp thời việc tự học của giáo viên tạo động lực và có những hỗ trợ cần thiết để giáo viên, kiên trì với mục tiêu và đạt được kết quả như mong đợi, tránh trường hợp chán nản, bỏ cuộc giữa chừng
Thứ ba, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc tự học. Hằng năm, Nhà trường cần kịp thời bổ sung vào Thư viện các tài liệu theo nhu cầu của giáo viên, như: tài liệu bồi dưỡng thường xuyên, sách chuyên đề, tập san, báo; các thiết bị có kết nối internet để hỗ trợ cho việc tra cứu thông tin; hệ thống máy tính, máy in trong phòng tự học; bàn ghế sạch sẽ, ngăn nắp.
Thứ tư, lập kế hoạch cụ thể, chi tiết việc tự học của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường theo năm học. Ban Giám hiệu và các đoàn thể trong nhà trường phối, kết hợp với tổ trưởng chuyên môn các khối và giáo viên cốt cán trong nhà trường để lập kế hoạch cụ thể quá trình tự học, tự nghiên cứu tài liệu về những nội dung cần thiết theo tuần, theo tháng trong năm học. Kế hoạch cần chi tiết, cụ thể mục đích, nhiệm vụ, vấn đề nào là trọng tâm, cốt lõi, phân công người phụ trách, nhắc nhở về thời gian, cách thức, điều kiện thực hiện.
Thứ năm, tổ chức, thực hiện kế hoạch tự học trong Nhà trường. Tổ chức hoạt động tự học một cách hợp lý, khoa học, có chất lượng, hiệu quả. Tự học bao gồm các hoạt động chủ yếu như: Đọc và nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị các nội dung sinh hoạt chuyên môn; chuẩn bị nội dung bài dạy; tiếp thu những phương pháp, hình thức đổi mới trong giáo dục trẻ ở trên thế giới và trong khu vực; nghiên cứu nội dung bồi dưỡng thường xuyên trong năm; tìm tòi ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng giáo án và giảng dạy, nghiên cứu bài dạy theo nhóm; nghiên cứu để mở rộng kiến thức; theo đuổi đam mê; làm các đề tài nghiên cứu khoa học có đầu tư, chất lượng. Có thể sử dụng các hình thức, như: tự học ở nhà, học tập theo nhóm nhỏ, trao đổi nhóm chuyên môn theo khối, tự học tập trung cả tập thể.
Thứ sáu, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ quản lý Nhà trường, của tổ trưởng chuyên môn và giáo viên cốt cán trong việc tự học.Theo đó, những đối tượng này cần đi đầu trong, là tấm gương sáng trong việc tự học. Đặc biệt, Ban Giám hiệu cần kiên trì đổi mới trong cách quản lý giáo dục, khơi dậy những động lực, quyết tâm thực hiện đến cùng của giáo viên, nhân viên Nhà trường; đồng thời, xây dựng môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh, đoàn kết, tương trợ nhau trong Nhà trường, tạo điều kiện phát huy dân chủ, kích thích tập thể giáo viên, nhân viên chủ động, tích cực trong quá trinh tự học, tự rèn luyện và xây dựng nhà trường.
Nâng cao hiệu quả của việc tự học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa theo tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh là công việc hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn phát triển giáo dục hiện nay bởi đội ngũ giáo viên là nhân tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục; nhờ đẩy mạnh tự học thường xuyên, học suốt đời sẽ trở thành những giáo viên vừa hồng vừa chuyên, vừa có khả năng thích ứng với xu thế của thời đại.
Hy vọng rằng, những giải pháp trình bày ở trên sẽ được lãnh đạo Nhà trường áp dụng hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng của việc tự học, qua đó phát triển đội ngũ giáo viên và xây dựng Nhà trường thành cộng đồng học tập, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở Trường Mầm non Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay./.
Học viên: Hà Thị Nam
Lớp:TCLLCTA8-K50
Số lượt truy cập
Hôm nay:
308
Hôm qua:
2004
Tuần này:
12490
Tháng này:
58864
Tất cả:
4.423.744