NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)!

Nâng cao hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình ở Chi bộ Trường Mầm non Phan Đình Phùng, Thành phố Thanh Hoá

Đăng lúc: 16:41:32 22/05/2023 (GMT+7)3547 lượt xem

 Nguyên tắc tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển của chi bộ. Chính vì vậy, trong những năm  qua, cán bộ và đảng viên Chi bộ Trường Mầm non Phan Đình Phùng luôn cố gắng nỗ lực thực hiện công tác tự phê bình và phê bình để xây dựng Chi bộ đoàn kết, vững mạnh, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
m1.jpg
Tập thể cán bộ, đảng viên Trường Mầm non Phan Đình Phùng, TP Thanh Hoá
Tự phê bình và phê bình là vấn đề rất quan trọng, là một trong những quy luật phát triển của Đảng và là nguyên tắc, chế độ thường xuyên trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày”. Tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ thường xuyên chứ không phải là giải pháp nhất thời, là vũ khí để rèn luyện đảng viên. Nêu cao tính tự giác, tính nêu gương, tính khách quan, trung thực, chân thành và công khai, làm rõ những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân, đề xuất những biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm... được như thế thì trong đảng sẽ không có bệnh mà “Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.
Theo Bác, thực chất của tự phê bình và phê bình là góp ý giúp đồng chí, đồng nghiệp và tự bản thân kiểm điểm lại xem cái làm được và chưa làm được, làm hay hoặc còn thiếu sót, sai lầm và từ đó phát huy cái tốt, tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa cái chưa hay, cái khuyết điểm, sai lầm. Phê bình là để giúp nhau cùng tiến bộ, vững vàng hơn và nó thể hiện tình cảm chân thành chứ không phải lợi dụng phê bình để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau, thậm chí xúc phạm danh dự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khối đoàn kết nội bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Do đó, để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, Đảng ta yêu cầu mọi tổ chức cơ sở Đảng, mọi cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình; trong đó, đặc biệt chú ý đến tự phê bình và phê bình từ trên xuống dưới, cán bộ lãnh đạo phải làm gương cho cấp dưới, phải thể hiện đúng bản lĩnh của người cán bộ cách mạng. Có như vậy mới khiến cho nhân viên cấp dưới của mình “tâm phục, khẩu phục”.
Là một đảng viên, tôi rất tự hào và vinh dự được học tập dưới mái trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, ngôi trường có bề dày lịch sử hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, nơi đã đào tạo và bồi dưỡng biết bao thế hệ cán bộ cho tỉnh nhà. Trải qua hai phần ba chặng đường học tập, mỗi bài học mà các thầy cô mang đến đều để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi bởi những kiến thức lý luận cũng như kinh nghiệm trong thực tiễn được các thầy cô lồng ghép vào bài học và đây là hành trang vững chắc cho chúng tôi (học viên lớp A5-K50) trong chặng đường tiếp theo. Đặc biệt trong bài học về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam (Bài 2, thuộc Bộ mônXây dựng Đảng) giúp tôi có nhận thức sâu sắcvề tầm quan trọng, tính chất, nội dung của nguyên tắc “Tự phê bình và phê bình” trong xây dựng Đảng ở giai đoạn hiện nay.
Chi bộ Trường Mầm nonPhan Đình Phùng trực thuộc Đảng bộ phường Tân sơn, Thành phố Thanh hoá nơi tôi đang công tác hiện có 18 đảng viên chính thức và 01 đảng viên dự bị. Các đảng viên đều là nữ, trong đó 17 đồng chí có trình độ đại học. 100% đảng viên là cán bộ, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chi bộ luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất lãnh đạo tập thể nhà trường, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao; nhiều năm liền đạt danh hiệu Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chi bộ luôn giữ vững đoàn kết nội bộ, thống nhất trong ý chí và hành động; duy trì chế độ sinh hoạt chi bộ thường kỳ vào ngày mùng 3 hng tháng.
m2.png
Hình ảnh Đại hội Chi bộ trường Mầm non Phan Đình Phùng
 
Đối với công tác phê bình và tự phê bình, hằng năm, Chi bộ thực hiện nghiêm túc việc tổ chức kiểm điểm tập thể Chi uỷ, đảng viên theo đúng hướng dẫn quy định của Đảng ủy; trong đó, đánh giá những hạn chế, khuyết điểm của Chi uỷ, từng cán bộ đảng viên, chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Các đồng chí trong Chi ủy luôn gương mẫu tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Qua đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, hằng năm, 100% cán bộ, đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Tuy nhiên, trong sinh hoạt chi bộ, công tác tự phê bình và phê bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: còn tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm; việc nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn diễn ra; một số đảng viên ít phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ; việc phát biếu ý kiến chỉ tập trung vào đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, đảng viên lớn tuổi. Bên cạnh đó, chi ủy chưa chú trọng việc bồi dưỡng thường xuyên trong công tác sinh hoạt, phát triển đảng nên ảnh hưởng rất nhiều đến tổ chức sinh hoạt đảng, đặc biệt là công tác tự phê bình và phê bình.
Từ thực tiễn này, để công tác tự phê bình và phê bình thực hiện một cách hiệu quả, Chi bộ cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình. Theo đó, Chi bộ cần thường xuyên giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng; củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Do tính đặc thù của ngành thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ trong ngày thời gian kéo dài hơn so với giờ hành chính và các cấp học khác nên Chi bộ nhà trường cần động viên, khuyến khích các đảng viên dành thời gian nghiên cứu, học tập trên sách báo hay các nghị quyết, chỉ thị của đảng qua các buổi sinh hoạt chi bộ; qua đó hiểu đầy đủ, sâu sắc nội dung, ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình, từ đó giúp đảng viên tự giác nhận ra được khuyết điểm của bản thân và chỉ ra ưu điểm và khuyết điểm của người khác để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ.
Hai là, cần trung thực, thẳng thắn, khách quan trong phê và tự phê. Trong sinh hoạt chi bộ, các đảng viên cần thẳng thắn tự phê bình và phê bình, không nể nang, né tránh, công khai chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp cần phải rèn luyện, sửa chữa; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức, biện pháp xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng.
Ba là, duy trì nghiêm nề nếp, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Đây là biện pháp rất quan trọng, do đó, Chi bộ nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, duy trì, thực hiện nghiêm nề nếp, chế độ tự phê bình và phê bình để đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên. Theo đó, hằng tháng, Chi bộ cần đánh giá về việc thực hiện quy định của Nhà trường, chức trách nhiệm vụ được giao của từng đồng chí đảng viên, từ đó chỉ ra những mặt đã làm được cần phát huy và những mặt hạn chế cần sửa chữa trong tháng tiếp theo. Trong mỗi buổi sinh hoạt, Chi bộ cần chú ý đến những đảng viên ít phát biểu ý kiến, đảng viên trẻ để động viên những đồng chí ấy tham gia ý kiến xây dựng chi bộ đoàn kết, vững mạnh. Qua đó, ngăn ngừa, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong từng cán bộ, đảng viên hiện nay.
Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tự phê bình và phê bình. Nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình phải bám sát định hướng của Đảng uỷ, những những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, sinh hoạt chi bộ, trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phương pháp tự phê bình và phê bình phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành. Phê bình người nào, nói những gì, nói đến mức độ nào…phải biết xử thế một cách tế nhị, không được làm cho họ khó chịu và nản lòng thì họ mới dễ tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm nhanh chóng.
Năm là, phát huy tính tích cực, chủ động tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Từng cán bộ, đảng viên trong chi bộ nhà trường cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Sáu là, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tự phê bình và phê bình. Để thực hiện tốt nội dung này, chi bộ cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể đối với từng đảng viên. Nội dung cần gắn chặt kết quả thực hiện tự phê bình và phê bình với phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong chi bộ. Qua kiểm tra cần chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, kịp khắc phục những mặt yếu và đề ra các giải pháp giúp chi bộ và đảng viên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt và hoạt động của chi bộ.
Việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiếu đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình sẽ là cơ sở sẽ góp phần xây dựng Chi bộ Phan Đình Phùng nói riêng, Đảng bộ phường Tân sơn nói chung vững mạnh để thực hiện thắng lợi Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ đã đề ra trong giai đoạn hiện nay./.
                                                                             Học viên: Phan Thị Mai
                                                                             Lớp: TCLLCT A5-K50
 
Tài liệu tham khảo
1.     Giáo trình Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Lý luận chính trị
2.     Tài liệu: Tự phê bình và phê bình trong Đảng - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật.
3.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật.
4.     Báo cáo tổng kết tại Đại hội Chi bộ Trường Mầm non Phan Đình Phùng, nhiệm kỳ 2022-2025.
5.     Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2022, phương hướng nhiệm kỳ 2022-2025 của Chi bộ trường MN Phan Đình Phùng.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
544
Hôm qua:
1176
Tuần này:
6762
Tháng này:
1720
Tất cả:
5.299.994