NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Nâng cao nhận thức của học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa về phát huy vai trò nguồn lực văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW

Đăng lúc: 14:40:28 24/02/2023 (GMT+7)365 lượt xem

 Hiểu đúng, đủ và thấm nhuần quan điểm của Đảng về vai trò nguồn lực văn hóa, con người trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là tiếp thu tinh thần của Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mỗi học viên của Nhà trường không ngừng có những chuyển biến trong nhận thức về trách nhiệm của người cán bộ trong việc xây dựng hình ảnh con người Thanh Hóa đẹp trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.
a123.jpg
Học viên lớp TCLLCT A2-K50 chụp ảnh lưu niệm
với thầy cô Nhà trường nhân Lễ Khai giảng khoá học
 
Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, văn hóa luôn có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: Yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan,hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung
Ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định 3 mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa. Trải qua nhiều kỳ đại hội, Đảng ta nhất quán với quan điểm: “Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần”, đồng thời khẳng định vai trò của văn hóa “là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người”, “là lĩnh vực sản xuất tinh thần, tạo ra các giá trị, sản phẩm làm giàu đẹp cuộc sống”, “là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh”, “là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. Đồng thời, Đảng chỉ rõ vị trí của văn hóa: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, nếu văn hóa được xem là nền tảng tinh thần của xã hội thì con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho mọi sự phát triển. Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm của mỗi địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh quan điểm: “Khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Nhân dân tỉnh Thanh Hóa”. Đây là nội dung quan trọng, là cơ sở để phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Trong suốt chiều dài lịch sử Thanh Hoá là một trong những cái nôi ra đời của người Việt cổ, cái nôi hình thành nền văn hóa Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa là mảnh đất của các bậc đế vương sáng nghiệp, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam; một vùng đất vừa thấm đẫm huyền thoại vừa đượm màu sắc lịch sử, “sân khấu của các bản trường ca lớn của lịch sử Đại Việt” (H. Le Breton). Đây là niềm vui, niềm tự hào lớn của người dân Xứ Thanh về cội nguồn lịch sử của quê hương mình. Đồng thời, trải qua quá trình lịch sử lâu dài cùng với vị trí địa - chính trị quan trọng đã khiến Xứ Thanh trở thành một vùng đất có sinh hoạt tín ngưỡng, phong tục và lễ hội vô cùng phong phú, đa dạng. Tất cả những đặc điểm địa lí, văn hóa, lịch sử, xã hội đó đã tạo nên những sắc thái độc đáo của văn hóa Xứ Thanh, đồng thời góp phần hun đúc nên một phần tính cách của con người Thanh Hóa.
a22.png
Nụ cười ấm áp học viên lớp TCLLCT A2-K50 khi tham gia hoạt động vì cộng đồng
 
 Mỗi quốc gia, dân tộc, xứ sở, vùng miền có lịch sử, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nét tính cách, cá tính riêng nhưng nhân loại có chung nhiều giá trị phổ quát. Thanh Hóa là một xứ, một tiểu vùng văn hóa độc đáo nhưng trong tiến trình lịch sử luôn thống nhất và chịu sự ảnh hưởng, chi phối của của dòng chảy lịch sử, văn hóa chung của dân tộc, thời đại. Vì vậy, người Thanh Hóa mang trong mình tất cả những phẩm chất cũng như những điểm yếu chung của người Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên, xã hội và với bản thân mình, người Thanh Hóa đã tạo nên những nét tâm lí, tính cách riêng, độc đáo.
Trong các phẩm chất, giá trị truyền thống chung của con người Việt Nam như yêu nước; nhân ái; anh hùng, quả cảm trong chiến đấu chống ngoại xâm; hiếu học; thông minh, sáng tạo; cần cù; trọng tình nghĩa và đạo lí, người Thanh Hóa có những nét riêng, nét riêng, như: tinh thần trọng nghĩa, bất khuất, can trường, xả thân vì nghĩa lớn; có bản lĩnh, ý chí tiến thủ, can đảm vượt khó; cần cù, chịu khó, không quản khó nhọc; mộc mạc, thẳng thắn đến mức quyết liệt; tự tôn, tự hào mạnh mẽ về bản thân và quê hương. Đồng thời, cũng có chung các điểm yếu của con người Việt Nam nhưng những điểm yếu có tính trội, nét trội của người Thanh Hóa là: tư tưởng gia trưởng, bảo thủ, độc đoán; tư tưởng “đầu lĩnh”, cao ngạo, tự tôn đôi khi thái quá; dễ nổi nóng, bất cần, thiếu sự mềm mỏng, khôn khéo trong giao tiếp; tằn tiện, chi li; tư tưởng có phần cục bộ, địa phương, đố kị, thiếu tính đoàn kết trong kinh doanh, làm ăn; phát âm tiếng địa phương thiếu tính truyền cảm. Nếu tâm lí, tính cách con người Việt Nam là một hằng số thì tâm lí, tính cách con người Thanh Hóa đã góp một phần nhỏ làm nên hằng số đó, trong đó có những biến thể - những phẩm chất cũng như thói tật của người Việt được thể hiện đặc biệt nổi trội hơn trong con người Thanh Hóa. Tự nhận thức được những điểm mạnh, điểm yếu này là cơ sở hết sức quan trọng để tìm kiếm các giải pháp phù hợp và hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển nguồn lực con người tỉnh Thanh trong giai đoạn hiện nay.
Mỗi người con của quê hương Thanh Hoá, trong đó có những học viên là những cán bộ, công chức, viên chức từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh, khi về Trường Chính trị tỉnh học tập lý luận chính trị, chúng tôi được thầy cô trang bị những kiến thức nền tảng để hiểu đúng và thấm nhuần quan điểm của Đảng về vai trò của văn hóa và con người, đặc biệt là Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Qua các bài giảng của thầy cô, chúng tôi đang chuyển biến tích cực trong nhận thức về xây dựng hình ảnh con người Thanh Hóa. Cụ thể là:
Thứ nhất, nhận thức rõ trách nhiệm tiên phong của thế hệ trẻ Thanh Hóa trong giao tiếp, ứng xử có văn hoá để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Thứ hai, nhận thức được những điểm mạnh, điểm yếu của con người Thanh Hóa trong chính bản thân mình, trong mối liên hệ, so sánh với người dân ở các địa phương khác; từ đó tìm ra nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng và các biện pháp phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu của người Thanh Hóa để nâng cao hiệu quả công việc và giao tiếp.
Thứ ba, nhận thức về tầm quan trọng trong gìn giữ và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Thanh Hóa như cần cù chịu khó, có ý chí tiến thủ, có khát vọng vượt qua gian lao thử thách để sáng tạo và thành công, mộc mạc và thẳng thắn.
Thứ tư, nhận thức trong thẳng thắn thừa nhận những điểm yếu và thường xuyên tìm cách khắc phục những điểm yếu của người Thanh Hóa, như: tự tôn thái quá, dễ nóng nảy, thiếu mềm mỏng trong giao tiếp, gia trưởng, cục bộ, phát âm tiếng địa phương… để điều chỉnh hành vi trong cuộc sống và trong công việc
Thứ năm, nhận thức về sự cần thiết của công tác tham mưu và tham gia chỉ đạo, điều hành, theo dõi, kiểm tra, giám sát trong xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách, các quy chế, quy định về văn hóa công sở tại cơ quan, đơn vị, cũng như các quy định về nếp sống văn hóa ở địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng văn hóa xứ Thanh.
Thứ sáu, nhận thức về trách nhiệm của bản thân trong tuyên truyền, thuyết phục đồng nghiệp, người thân và Nhân dân phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu của con người Thanh Hóa, góp phần tạo nên một cộng đồng người Thanh Hóa vừa độc đáo và đặc sắc, vừa hội nhập và phát triển bền vững cùng bạn bè trong nước và quốc tế.
Để tiếp tục nâng cao nhận thức của học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa về phát huy vai trò nguồn lực văn hóa, con người để góp phần thưc hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW, vận dụng các kiến thức lý luận được học từ Nhà trường, tôi xin đưa ra một số giải pháp sau:
Một là, mỗi học viên cần không ngừng chủ động trong nghiên cứu, tìm hiểu sâu nghị quyết các cấp của Đảng, trong đó đặc biệt quan tâm chú trọng đến những điểm nhấn liên quan đến phát triển văn hoá, con người nhằm đạt được các mục tiêu xây dựng đất nước nói chung, con người xứ Thanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hai là, Nhà trường cần tăng cường vận dụng, liên hệ sâu đối với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển văn hoá và con người xứ Thanh trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; cần đẩy mạnh việc định hướng, dẫn dắt, truyền cảm hứng cho học viên về nghĩa vụ, trách nhiệm, lòng tự hào của một công dân, một người cán bộ phục vụ nhân dân phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng tỉnh Thanh Hoá văn minh, giàu đẹp. Theo đó, Nhà trường cần đa dạng hoá các hình thức dạy học lý luận chính trị ở cả trong và ngoài lớp học để học viên có thể thẩm thấu các nội dung về tầm quan trọng của nâng cao nhận thức trong phát huy nguồn lực văn hoá và con người xứ Thanh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ba là, cấp uỷ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát ý thức, tác phong, lề lối làm việc, văn hoá ứng xử và giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức là học viên được cử đi học tập lý luận tại Trường Chính trị tỉnh; từ đó có những đánh giá cụ thể để trao đổi, phản ánh, phối hợp với Nhà trường nhằm hỗ trợ, tư vấn thực tiễn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, góp phần chung tay xây dựng các thế hệ cán bộ tương lai có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức và có văn hoá giao tiếp, ứng xử đẹp.
Được học tập và rèn luyện dưới mái trường của Đảng, học viên Trung cấp lý luận chính trị không những được củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, mà còn được nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm trong phát huy những giá trị tốt đẹp của nền văn hoá Việt Nam nói chung, con người xứ Thanh nói riêng; đó là những bài học vô giá luôn đồng hành với chúng tôi trên con đường trưởng thành của người cán bộ./.
Học viên: Nguyễn Thị Việt Hưng
  Lớp: TCLLCT A2-K50
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghiên cứu điểm mạnh, điểm yếu của con người Thanh Hoá trong đời sống xã hội hiện nay, báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, Thanh Hoá (PGS. TS. Hoàng Thị Mai, 2019).
2. Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. Ngô Đức Thịnh, 1993).
3. Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05-8-2020 Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
589
Hôm qua:
2004
Tuần này:
12771
Tháng này:
59145
Tất cả:
4.424.025