THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Phát huy tính chủ động, tích cực trong tự học tập, nghiên cứu của học viên Trung cấp Lý luận chính trị

Đăng lúc: 15:15:12 23/12/2023 (GMT+7)975 lượt xem

 Quá trình dạy và học lý luận chính trị không chỉ đơn thuần là quá trình truyền tải kiến thức từ một phía mà nó là sự tương tác, trao đổi từ hai phía, trong đó, giảng viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, định hướng, học viên đóng vai trò chủ thể và trung tâm của quá trình học tập. Việc phát huy tính tự giác, chủ động của học viên trong học tập là tiền đề quan trọng để Nhà trường tiếp tục thực hiện hiệu quả các mô hình sáng tạo vì học viên, góp phần xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025
a61.jpg
Học viên lớp TCLLCT A6 - K51 chủ động trong tìm hiểu, tham khảo tài liệu
tại Thư viện
Nhà trường
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc học tập, nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên. Người đã chỉ rõ mục đích của việc học tập và những biện pháp cơ bản để đạt mục đích đó: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Do đó, việc thường xuyên học tập và bồi dưỡng về lý luận chính trị là vấn đề hết sức cần thiết, nhằm nâng cao nhận thức và trình độ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cách mạng.
Học tập lý luận chính trị giúp cho người học có sự hiểu biết sâu sắc, nhận thức đúng đắn, toàn diện hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; từ đó, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống và có kỹ năng vận dụng kiến thức được học một cách khoa học vào trong thực tiễn công tác.
Để những kiến thức lý luận chính trị có thể thấm sâu, giúp phát triển nhận thức và có tác dụng trong công tác, mỗi học viên Trường Chính trị tỉnh cần chủ động, tích cực trong học tập, nghiên cứu bên cạnh việc tiếp thu những bài học trên lớp. Theo đó, học viên cần chú trọng nâng cao ý thức tự giác, tự chủ, kiên trì trong học tập, biến quá trình học của bản thân từ phương pháp học tập thụ động, lối tư duy cũ sang phương pháp chủ động, xây dựng tác phong khoa học, trong đó chủ yếu thông qua việc xác định đúng đắn mục đích, động cơ, nề nếp trong học tập. Việc phát huy tính chủ động, tích cực của học viên trong học tập lý luận chính trị có vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy của Nhà trường.
a6.jpg
Lớp TCLLCT A6-K51 xây dựng kệ sách lớp học và mô hình “Mỗi tuần một cuốn sách”
Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho tỉnh nhà trong bối cảnh hiện nay, Trường Chính trị tỉnh đã chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, cùng với đó là định hướng xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn cho học viên trong suốt quá trình học tập.  Ngay đầu khóa học, thông qua việc trang bị cho học viên kiến thức về quản lý mục tiêu, thái độ, học viên xác đinh được trách nhiệm khi tham gia học tập. Đồng thời, Nhà trường cũng thường xuyên động viên, khuyến khích giảng viên thay đổi phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, tập trung hướng tới sự nâng cao tính chủ động, tích cực của học viên trong việc tiếp thu kiến thức về lý luận chính trị.
Để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo trong giai đoạn hiện nay, Nhà trường đổi mới cách thức tổ chức nghiên cứu thực tế cho học viên nhằm vận dụng kiến thức lý luận vào các hoạt động thực tiễn để đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của bản thân ở địa phương, đơn vị. Qua đó, đã giúp học viên thấy được học chính trị tại trường không phải chỉ đơn giản là nghiên cứu những kiến thức lý luận chung chung mà còn được tiếp cận với nhiều khối kiến thức khác nhau và còn được trang bị nhiều kỹ năng cần thiết đối với người cán bộ ở địa phương, cơ sở, từ đó tạo nên sự hứng khởi và tinh thần tích cực trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Từ sau Lễ khai giảng khoá học K51 đến nay, phần lớn học viên nói chung, học viên lớp A6 nói riêng xây dựng được thái độ, tinh thần chủ động, động cơ học tập và rèn luyện đúng đắn. Trong buổi học, rất nhiều học viên tham gia học tập với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, chú tâm nghe giảng, ghi chép bài vở cẩn thận và tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài. Kết quả thi cuối học phần của học viên, đa số đạt kết quả cao. Điều đó chứng tỏ học viên đã thể hiện được tinh thần, trách nhiệm, phát huy được vai trò chủ động, tích cực của mình trong tham gia học tập. Bên cạnh đó, Trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi, các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao để tăng cường gắn kết với học viên, đặc biệt cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thu hút rất nhiều bài viết tham gia từ học viên ở các lớp.
a63.jpg
Lớp TCLLCT A6-K5 thăm phòng Truyền thống, tìm hiểu về lịch sử phát triển của Nhà trường
 
Bên cạnh những mặt đạt được, tính tích cực, chủ động của học viên trong tham gia học tập vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận học viên không xác định đúng động cơ, mục đích học tập dẫn đến thái độ học tập chưa đúng đắn, vẫn còn tình trạng học đối phó, học cho có bằng cấp để đủ điều kiện bổ nhiệm. Trong giờ học, tình trạng học viên không chú ý lắng nghe, chơi game, sử dụng mạng xã hội vẫn diễn ra. Một số học viên lười suy nghĩ, thụ động, ít chịu khó phát biểu xây dựng bài, không ghi chép bài vở, thay vào đó, trông chờ, ỷ lại vào việc xin file bài giảng của giảng viên. Trong giảng dạy, một số giảng viên chỉ chú ý truyền tải nội dung kiến thức, ít quan tâm đến việc truyền cảm hứng học tập cho học viên. Một số giảng viên muốn thay đổi phương pháp giảng dạy, tăng nội dung thảo luận và lồng ghép các phương pháp tích cực để thu hút học viên nhưng lại bị hạn chế về mặt thời gian hoặc chưa kết nối được với học viên. Đồng thời, thông qua các đợt thi hết phần học vừa qua, một điều thấy rất rõ là một số học viên vẫn thụ động, lười tư duy vận dụng thực tiễn trong quá trình làm bài nên dẫn đến kết quả thường không cao.
Xuất phát từ thực trạng trên, trong thời gian tới, để nâng cao và phát huy hơn nữa tính chủ động, tích cực học tập của học viên, bài viết xin đưa ra một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Nhà trường cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của việc học tập lý luận chính trị cho học viên để từ đó, học viên xây dựng cho mình thái độ, động cơ đúng đắn trong học tập. Đồng thời, Nhà trường cũng cần sâu sát hơn nữa việc xây dựng tác phong, hình ảnh của học viên; chú trọng từ việc xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn trong học tập lý luận chính trị và xây dựng tác phong khoa học, tích cực, chủ động và kỷ cương, nề nếp trong học tập, rèn luyện đến xây dựng tác phong, hình ảnh đẹp trong giao tiếp, ứng xử.
Trong công tác dạy học và thi, Nhà trường cần quyết liệt hơn nữa trong đổi mới cách ra đề thi và hình thức thi; đồng thời, đẩy mạnh thay đổi căn bản từ dạy, học thụ động sang chủ động, từ dạy cái có trong sách sang dạy cái học viên cần, thực tiễn cần, nhân dân cần gắn với thực tiễn của địa phương, trong từng lĩnh vực công tác.
Bên cạnh đó, Nhà trường cần tổ chức các buổi họp rút kinh nghiệm ở cả hệ lớp tập trung và không tập trung để tìm hiểu, lắng nghe những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của học viên về những vấn đề liên quan công tác giảng dạy và học tập; tạo diễn đàn cho học viên chủ trì trao đổi, thảo luận kiến thức các môn học, phần học, báo cáo sản phẩm nghiên cứu thực tế thông qua hình thức tọa đàm, hội thảo các vấn đề thực tiễn ở địa phương. 
Tăng cường phối hợp với cấp ủy đơn vị, cơ quan cử học viên đi học trong việc quản lý, phản hồi thông tin về kết quả quá trình học tập, rèn luyện của học viên về cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả học tập, rèn luyện là một tiêu chí đánh giá cán bộ, đồng thời lấy kết quả xếp loại cán bộ là tiêu chí đánh giá, xếp loại học tập, rèn luyện của học viên. Từ đó giúp học viên hiểu được trách nhiệm nhưng cũng là niềm vinh dự khi được học tập tại trường.
Thứ hai, giảng viêncầnchủ động, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kích thích tư duy, chủ động gợi mở, truyền cảm hứng, động viên để học viên tích cực tham gia ý kiến trong quá trình học tập, nhất là các giờ thảo luận, làm việc nhóm. Trên lớp, giảng viên cần tạo không khí, môi trường lớp học thân thiện, cởi mở, tạo điều kiện cho học viên được tiếp xúc với giảng viên một cách dễ dàng và nhận các tư vấn cần thiết; định hướng cho học viên tiếp thu các kiến thức, kỹ năng và hướng dẫn học viên chủ động trong học tập để vận dụng những kiến thức được học vào trong thực tiễn công tác của mình. Có như vậy, học viên mới thấy được lợi ích thiết thực, ý nghĩa của việc học lý luận chính trị, từ đó sẽ tích cực, chủ động hơn.
Thứ ba, học viên cần tự xây dựng cho mình thái độ, động cơ đúng đắn, nghiêm túc trong giờ học, đọc trước giáo trình, tài liệu, ghi chép đầy đủ; thường xuyên đọc sách báo, tài liệu lý luận, các bài viết khoa học; lập kế hoạch học tập, có lộ trình học tập, làm việc khoa học và tự đánh giá mức độ hài lòng với kết quả học tập của mình để có những điều chỉnh kịp thời; thực hiện nghiêm túc mô hình “Lớp học kiểu mẫu, học viên gương mẫu”, nguyên tắc “3 không, 3 có” (không vào lớp muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học”; có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học).
Tóm lại, quá trình dạy và học lý luận chính trị không chỉ đơn thuần là quá trình truyền tải kiến thức từ một phía mà nó là sự tương tác, trao đổi từ hai phía, trong đó, giảng viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, định hướng, học viên đóng vai trò chủ thể và trung tâm của quá trình học tập. Việc phát huy tính tự giác, chủ động của học viên trong học tập là tiền đề quan trọng để Nhà trường tiếp tục thực hiện hiệu quả các mô hình sáng tạo vì học viên, góp phần xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025./.
Học viên: Lương Thị Thảo - Lớp TCLLCT A6-K51
Đơn vị: UBND Xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
9
Hôm qua:
1812
Tuần này:
13113
Tháng này:
50303
Tất cả:
4.983.904