NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 -  7/5/2024)!

Tăng cường ứng dụng thông tin trong xây dựng Kho bạc số tại Kho bạc Nhà nước Thanh Hoá

Đăng lúc: 06:57:45 12/01/2024 (GMT+7)119 lượt xem

 Trong thời gian tới, với quan điểm lấy hiện đại hóa công nghệ thông tin là khâu đột phá, cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ là nền tảng, trong đó chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt của quá trình thực hiện, KBNN Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT để hướng đến mục tiêu xây dựng Kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính Quốc gia an toàn, bền vững.
Picture1 (1).png
Trụ sở Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa
 
Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chương trình, Chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số không ngừng được nâng cao.
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, Việt Nam phải trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Trước tình hình đó, Kho bạc Nhà nước đã đặt mục tiêu đến năm 2025 phải vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số; cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số.
Để đạt được mục tiêu trên, ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 để tiếp tục cải cách, hiện đại hóa, phục vụ yêu cầu xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Chiến lược này là phải “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành Kho bạc số”.
2.jpg
Công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước tại KBNN Thanh Hóa
thực hiện trên nền tảng
 công nghệ thông tin
Những năm gần đây, Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa đã xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc. Do đó, Kho bạc đã triển khai đồng bộ các giải pháp để cùng với toàn ngành xây dựng đơn vị hiện đại, từng bước hướng tới kho bạc điện tử, kho bạc số, đáp ứng ngày một tốt hơn nhiệm vụ được giao. Nhằm thúc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi, hướng tới “Kho bạc số”, thời gian qua, tất cả các kho bạc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đẩy mạnh đổi mới và hiện đại hoá hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT).
Hiện nay, hệ thống KBNN Thanh Hóa bao gồm KBNN tỉnh và các KBNN huyện, thị xã, thành phố đang phối hợp thu ngân sách Nhà nước và thanh toán song phương điện tử với 11 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và tiến tới mở rộng phối hợp thu với toàn bộ hệ thống NHTM trong những năm tiếp theo. KBNN Thanh Hóa đã cung cấp 11/11 thủ tục hành chính thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến đến tất cả cả các đơn vị ngân sách, thông qua dịch vụ công trực tuyến việc xử lý các hồ sơ thủ tục hành chính đã được giải quyết nhanh chóng, chính xác và đúng quy định, tạo thuận lợi cho khách hàng.
Để xây dựng thành công mục tiêu “Kho bạc số”, KBNN Thanh Hóa đã triển khai những giải pháp quan trọng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành việc ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc. Lãnh đạo KBNN Thanh Hoá đã quan tâm chỉ đạo nghiên cứu xây dựng các chương trình ứng dụng thiết thực, đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa và quản lý trong nội bộ cơ quan để giảm tải công việc thủ công tại các phòng nghiệp vụ và các KBNN huyện, thị xã, thành phố; đồng thời đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và thực hiện tốt liên thông các ứng dụng nghiệp vụ; chỉ đạo triển khai tích cực thực hiện chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, trong công tác thu NSNN, KBNN Thanh Hóa đã thực hiện sử dụng hiệu quả các công cụ hỗ trợ thu giúp công tác truyền nhận dữ liệu giữa KBNN Thanh Hóa với các NHTM, cơ quan thuế, hải quan đảm bảo nhanh chóng, chính xác, như: ứng dụng phần mềm hiện đại hóa thu ngân sách (TCS PHT) cho phép mở rộng phối hợp thu giữa các cơ quan KBNN, Sở Tài chính, Cục thuế, Cục Hải quan với NHTM;  áp dụng chữ ký số trong trao đổi, đối chiếu thông tin…
Thứ hai, đẩy mạnhcông tác tuyên truyền về những lợi ích của kho bạc số cho các đơn vị sử dụng NSNN khi tham gia Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Theo đó, KBNN Thanh Hoá đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị sử dụng NSNN tham gia DVCTT; tổ chức hội nghị triển khai DVCTT cho các đơn vị sử dụng ngân sách; đồng thời, phân công, bố trí cán bộ nghiệp vụ DVCTT hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, nắm bắt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện DVCTT.
Thứ ba, chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng quản trị mạng, quản trị dữ liệu, an ninh thông tin và an toàn hệ thống mạng cho công chức chuyên trách về CNTT. Theo đó, Kho bạc đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo, hướng dẫn kỹ năng tin học cơ bản và nâng cao, nắm vững quy trình vận hành, có khả năng sử dụng, khai thác tốt các ứng dụng của ngành.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ xa tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN thông qua hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị chuyên dùng để kịp thời phát hiện những tồn tại, sai sót, vi phạm trong hoạt động kiểm soát chi NSNN. Xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách thủ tục hành chính nên lãnh đạo KBNN Thanh Hóa đã rất sát sao trong công tác chỉ đạo cán bộ, công chức rà soát số liệu, lập báo cáo tổng hợp để làm tiêu chí đánh giá chất lượng phục vụ khách hàng.
Trong thời gian tới, với quan điểm lấy hiện đại hóa công nghệ thông tin là khâu đột phá, cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ là nền tảng, trong đó chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt của quá trình thực hiện, KBNN Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT để hướng đến mục tiêu xây dựng Kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính Quốc gia an toàn, bền vững./.
Học viên: Lê Văn Thành
Lớp: TCLLCT A3-K51
Đơn vị: Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa
---------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030
2. Trang Cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước Việt Nam: https://vst.mof.gov.vn/webcenter/portal/kbnn
3. Các báo cáo của KBNN, KBNN Thanh Hóa phục vụ các cuộc họp giao ban hệ thống, họp với Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
225
Hôm qua:
2237
Tuần này:
2462
Tháng này:
26966
Tất cả:
4.458.254