HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Vai trò, trách nhiệm của học viên đối với việc học tập lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay

Đăng lúc: 10:09:04 24/05/2023 (GMT+7)548 lượt xem

 Được cử đi học tậptại Trường Chính trị tỉnh là một vinh dự lớn của mỗi học viên; do đó, học viên cần chủ động trong tự học, tự nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức lý luận chính trị, nắm vững nguyên lý và phương pháp khoa học để vận dụng sáng tạo trong hoạt động thực tiễn.
a5.jpg
Một buổi thảo luận nhóm của học viên lớp TCLLCT A5-K50 thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “phải lấy tự học làm cốt”
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc học tập nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên. Người đã chỉ rõ mục đích của việc học tập và những biện pháp cơ bản để đạt mục đích đó: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
Tại Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12/5/1999 về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng do Bộ Chính trị ban hành có nêu: “Học tập là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, ngày 30-10-2016 “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” cũng chỉ rõ: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” là 1 trong 9 biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng chính trị. Đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra giải pháp: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”.
Do đó, việc thường xuyên học tập và bồi dưỡng lý luận chính trị là vấn đề hết sức cần thiết, nhằm nâng cao nhận thức và trình độ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cách mạng. Đặc biệt, đối với học viên Trường Chính trị tỉnh, việc học tập lý luận chính trị càng trở nên quan trọng, cần phải tăng cường nâng cao chất lượng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
a52.png
Lớp TCLLCT A5-K50 nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử và phát triển Trường Chính trị tỉnh tại phòng Truyền thống Nhà trường
Qua quá trình học tập tại Trường Chính trị tỉnh, tôi nhận thấy rằng, nhận thức của học viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng được nâng lên. Đa số học viên cơ bản đã xác định cho bản thân động cơ học tập đúng đắn, thái độ học tập nghiêm túc, xây dựng kế hoạch học tập khoa học, nội dung học tập thiết thực; phát huy năng lực, vận dụng tốt kiến thức đã học và hoàn thành nhiệm vụ được giao.     
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều học viên chưa thực sự quan tâm đến việc học lý luận chính trị, hầu như chỉ chú trọng đến chuyên môn nên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học lý luận chính trị, chưa xem đó là nhu cầu của bản thân. Nhiều học viên tham gia lớp học với tư tưởng bắt buộc phải học để có bằng đủ điều kiện đề bạt, bổ nhiệm, cho nên thái độ học tập chưa nghiêm túc, học chống đối, ít tương tác trao đổi với giảng viên. Có những học viên không thực hiện đúng quy chế, quy định lớp học, đi trễ, sử dụng điện thoại lướt web, chơi game, đọc báo hoặc đem việc của cơ quan đến lớp học để làm; tham gia các buổi thảo luận ở lớp rất ít hoặc chỉ trông chờ giảng viên tổng kết bài…
Để nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, là một học viên của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, tôi xin đưa ra một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lý luận chính trị cũng như những kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong mỗi học viên. Theo đó, mỗi học viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm; nhận thức rõ việc học tập lý luận chính trị là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình, là nhu cầu của chính bản thân mình, là biện pháp quan trọng để giữ vững lập trường giai cấp, góp phần bổ sung thêm sự hiểu biết về lý luận để vận dụng vào thực tiễn, nâng cao năng lực công tác. Đồng thời, học viên cần chủ động tự nghiên cứu, tự học tập, có thái độ và phương pháp học tập đúng đắn; trong đó, các học viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu trong học tập lý luận chính trị.
Thứ hai, cấp ủy các địa phương, cơ quan, đơn vị cử người đi học cần phải chọn, cử đúng đối tượng, theo tiêu chuẩn và đặc biệt cần hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ, nhất là về mặt thời gian để họ yên tâm tham gia học tập; đồng thời, lấy kết quả học tập, ý thức rèn luyện trong quá trình học tập là một tiêu chí để đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng cuối năm.
Thứ ba, tăng cường sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, Ban cán sự các lớp đối với hoạt động tự học của học viên. Để nâng cao chất lượng tự học tập của học viên hiện nay, đòi hỏi Nhà trường cần tăng cường tuyên truyền các hình thức, phương pháp tự học thông qua các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên đề; thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua và phát huy hiệu quả Website của Nhà trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự gắn kết của học viên với Nhà trường qua các phong trào, hoạt động đoàn thể; tăng cường sự liên kết của Nhà trường với đơn vị phối hợp, Ban cán sự lớp học để nắm bắt cụ thể hơn về các đối tượng học viên, từ đó có sự tác động phù hợp nhằm nâng cao chất lượng tự học tập, tự nghiên cứu của học viên.   
Được về học tập, nghiên cứu tại Trường Chính trị tỉnh là một vinh dự lớn của mỗi học viên; do đó, học viên cần chủ động học tập, nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức lý luận chính trị, nắm vững nguyên lý và phương pháp khoa học để vận dụng sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Từ đó, mỗi học viên cần tranh thủ thời gian, tận dụng mọi điều kiện để đọc, để nghe, để trao đổi, thảo luận, phát huy tính chủ động, ý thức tự giác, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; học đi đôi với hành, gắn kiến thức cơ bản với kiến thức ứng dụng để sau khi hoàn thành chương trình học tập, có thể vận dụng nhuần nhuyễn những kiến thức đã được trang bị vào xử lý các tình huống công việc, và hơn thế nữa là để trở thành một cán bộ ưu tú về trí tuệ và đạo đức, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu chung của toàn Đảng./.
 Học viên:Hà Thị Trang
                                                      Lớp: TCLLCT A5K50
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12/5/1999 về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng do Bộ Chính trị ban hành.
2. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1215
Hôm qua:
2628
Tuần này:
3843
Tháng này:
50217
Tất cả:
4.415.097