NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 -  7/5/2024)!

Văn hoá công sở - Yếu tố quan trọng tạo dựng nên thương hiệu Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Đăng lúc: 09:55:42 12/01/2024 (GMT+7)110 lượt xem

 Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã thống nhất những quy định cụ thể và thiết thực về thực hiện văn hóa công sở tại Nhà trường. Đó là: (1) Tuân thủ nội quy ra vào cơ quan làm việc; (2) Chấp hành quy định về trang phục công sở; (3) Thiết kế, thi công bài trí cảnh quan công sở; (4) Tuyên truyền, giáo dục về xây dựng văn hóa công sở; (5) Nghiêm túc chấp hành quy chế làm việc; (6) Thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử thân thiện; (7) Thành lập Tổ Thanh tra kiểm tra, xử lý các vi phạm xảy ra.
\"Picture1
Các đại biểu, cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tại Lễ Khai giảng năm học 2023-2024
 
Hiện nay, có thể tìm thấy rất nhiều khái niệm về “văn hóa công sở”; tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản về “văn hóa công sở” là các giá trị có tính chuẩn mực chung, làm nền tảng cho sự gắn kết giữa cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện các nhiệm vụ được giao; phản ánh sự đúng đắn, tính nhân văn, nét đẹp và niềm tin được hình thành trong quá trình hoạt động, phát triển của công sở, được mọi người tuân thủ, tự giác thực hiện vì mục tiêu chung.
Văn hóa công sở trong nhà trường là hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống được tạo nên trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển nhà trường; được các thành viên trong nhà trường thừa nhận, làm theo và tạo dấu ấn, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho mỗi thời kỳ. Nói cách khác, văn hóa công sở trong nhà trường là hệ thống những giá trị vật chất và phi vật chất (tinh thần) tồn tại trong nhà trường, làm cho nhà trường có những nét riêng biệt, nhằm tạo nên sự khác biệt giữa trường này với trường khác.
Thực hiện Kế hoạch số 160/KH-UNBD ngày 12/7/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025, căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã thống nhất những quy định cụ thể và thiết thực về thực hiện văn hóa công sở tại Nhà trường. Đó là: (1) Tuân thủ nội quy ra vào cơ quan làm việc; (2) Chấp hành quy định về trang phục công sở; (3) Thiết kế, thi công bài trí cảnh quan công sở; (4) Tuyên truyền, giáo dục về xây dựng văn hóa công sở; (5) Nghiêm túc chấp hành quy chế làm việc; (6) Thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử thân thiện; (7) Thành lập Tổ Thanh tra kiểm tra, xử lý các vi phạm xảy ra.
Sau thời gian triển khai thực hiện, đến nay, những quy định trên đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động, từ đó đã phát huy tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, viên chức và người lao động Nhà trường; đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là những kết quả của việc nỗ lực, quyết tâm thực hiện văn hoá công sở ở tất cả các đơn vị trong Nhà trường; qua đó, xây dựng hình ảnh người cán bộ, viên chức, người lao động gương mẫu, chuẩn mực, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chính việc thực hiện văn hoá công sở trong Nhà trường đã đóng vai trò quan trọng nâng cao hình ảnh và vị thế của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.
\"2.jpg\"

Giảng viên Nhà trường dạy học tích cực, thân thiện, gắn kết với sinh viên
 
Văn hoá công sở tại Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch được thể hiện trong giao tiếp và ứng xử trong các mối quan hệ giữa cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên; từ đó, xây dựng lối sống lành mạnh, văn hóa trong Nhà trường. Theo đó, cán bộ, giảng viên và nhân viên Nhà trường có thái độ lịch sự, tôn trọng nhau, trung thực, luôn hợp tác, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, khách quan khi góp ý, nhận xét, luôn đoàn kết nội bộ. Cùng với đó, cán bộ, giảng viên, người lao động Nhà trường luôn tích cực học tập, trau dồi kỹ năng, nâng cao năng lực chuyên môn. Trong môi trường văn hoá của Nhà trường, học sinh, sinh viên không ngừng nâng cao tinh thần chủ động, tự giác trong học tập, nghiên cứu; các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên luôn tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa cán bộ, giảng viên, nhân viên các đơn vị khoa, phòng Nhà trường và học sinh, sinh viên để tăng cường đoàn kết, gắn bó.
\"3.jpg\"
Cán bộ giảng viên, học sinh, sinh viên Nhà trường cùng tham gia
hoạt động Teambuilding
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ, giảng viên, người lao động có thái độ làm việc nghiêm túc chưa cao; tác phong làm việc chưa chuyên nghiệp; tính kỷ luật còn phải khắc phục, nhất là hiện tượng đi muộn, về sớm, chưa tập trung trong thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Đối với học sinh, sinh viên, vẫn còn số ít chưa nhận thức đúng đắn về việc học tập và rèn luyện, không phát huy được sức trẻ. Do đó, để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế trong xây dựng văn hóa công sở trong Nhà trường, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau đây:
Thứ nhất, Nhà trường cần xây dựng, ban hành quy chế thực hiện văn hóa công sở; trong đó,  quy định rõ từng nội dung, từ trang phục, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật đến việc sử dụng phương tiện, tài sản, với phạm vi, đối tượng điều chỉnh và các nguyên tắc thực hiện sao cho phù hợp với đặc thù của Nhà trường.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể Nhà trường trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành văn hóa công sở cho cán bộ, giảng viên, nhân viên và học sinh, sinh viên; phát huy sự chủ động, sáng tạo, thái độ tự giác của mọi cá nhân, đơn vị Nhà trường trong việc tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ vệ sinh giảng đường, khuôn viên trường và phòng làm việc.
Thứ ba, tăng cường thực hiện môi trường giảng dạy, học tập thân thiện, đưa nội dung thực hiện văn hóa công sở của Nhà trường vào bản cam kết thi đua của các đơn vị, cá nhân; đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, tổng kết, đánh giá theo định kỳ; chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng, động viên cán bộ, giảng viên, công nhân viên thực hiện tốt văn hóa công sở.
Thứ tư, đẩy mạnh thắt chặt kỷ cương, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về văn hóa công sở.
Tóm lại: Văn hóa công sở đóng vai trò quan trọng vào quá trình phát triển Nhà trường theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp mà vẫn giữ được nét riêng truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Do đó, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên Nhà trường cần tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân và tập thể qua giao tiếp, ứng xử đẹp với đồng nghiệp và học sinh, sinh viên; bằng sự thể hiện trang phục phù hợp khi đến công sở; và với trách nhiệm cao trong công việc; từ đó, hình thành tác phong, phong cách ứng xử văn hóa chuẩn mực của cán bộ, giảng viên để mang lại sự hài lòng cho người học, góp phần tạo dựng nên thương hiệu của Nhà trường và tạo nên một nét văn hóa riêng của Trường Đại học Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa./.
Học viên: Nguyễn Thị Ngọc Ánh
Lớp: TCLLCT A3-K51
Đơn vị: Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
354
Hôm qua:
2237
Tuần này:
2591
Tháng này:
27095
Tất cả:
4.458.383