Mô hình “Xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá” - Nhận thức đúng, triển khai thực hiện thành công!
Đăng lúc: 09:47:27 13/12/2023 (GMT+7)572 lượt xem
Minh chứng và đóng góp thêm vào quá trình tổng kết thực tiễn để phát triển mô hình “Xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa” đó là, A1 là lớp đầu tiên của khoá 51 đạt danh hiệu Tập thể lớp kiểu mẫu! Kết quả bước đầu này của tập thể lớp TCLLCT A1-K51 sẽ là tiền đề quan trọng để học viên không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, xây dựng tác phong, hình ảnh của người cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay

Xây dựng hình ảnh của học viên Trường Chính trị tỉnh thông qua tổ chức diễn đàn
Mô hình “Xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa” được trình bày trong Cuốn sách “Những mô hình đổi mới vì học viên” do TS. Lương Trọng Thành, Tỉnh uỷ viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá làm chủ biên, cùng sự tham gia của các giảng viên Nhà trường, là chỉ dẫn cụ thể cho học viên trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường, để từ đó hình thành tác phong, hình ảnh đẹp của người cán bộ phục vụ Nhân dân.
Sau đây là một số phân tích, đánh giá của cá nhân để đi đến sự thống nhất về giá trị của mô hình “Xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa” khi triển khai thực hiện ở lớp TCLLCT A1-K51.
Thứ nhất, cơ sở lý luận của mô hình hết sức tổng quát, trong đó tác phong được định nghĩa là hệ thống cách thức được hình thành và hoàn thiện trong quá trình tư duy, làm việc, giao tiếp ứng xử của mỗi cá nhân trong tổ chức với cộng đồng và xã hội. Như vậy, tác phong rõ ràng là một thuộc tính của một cá nhân, cùng với tư duy, thái độ, tác phong là hệ thống cách thức do đó tác phong góp phần hình thành năng lực, việc xây dựng tác phong chính là nâng cao năng lực của học viên. Tác phong là một thuộc tính của mỗi cá nhân, tuy nhiên đó không phải là thuộc tính bẩm sinh, tự nhiên mà có, việc xây dựng tác phong phải có thời gian và môi trường. Như vậy, có sơ sở để khẳng định rằng, quá trình học tập tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn có thể xây dựng được tác phong tích cực cho mỗi cá nhân học viên và quá trình xây dựng này hàm chứa trong nội dung học tập, rèn luyện của Nhà trường đối với học viên đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị.
Thứ hai, mục tiêu của mô hình có tính khả thi cao. Mô hình đã đề ra ba mục tiêu cụ thể: (1) nhận thức rõ về sự cần thiết phải xây dựng tác phong hình ảnh của cán bộ, giảng viên, học viên; (2) định hướng và cụ thể hóa các giá trị cốt lõi tạo nên tác phong, hình ảnh; (3) từ việc thực hiện thành công mô hình sẽ nâng cao uy tín, vị thế, tạo được sự tin tưởng của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh với Nhà trường.
Với đối tượng là học viên, trên cơ sở lý luận của mô hình, mục tiêu thứ nhất và mục tiêu thứ hai hoàn toàn có thể đạt được thông qua các bài giảng môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Kỹ năng lãnh đạo quản lý. Đặc biệt, được các thầy trong Ban giám hiệu trực tiếp lên lớp, cùng với sự chuyên tâm tiếp thu, học viên hoàn toàn có thể nắm bắt được khái niệm, vị trí, vai trò, sự cần thiết của việc xây dựng tác phong, hình ảnh, đồng thời được định hướng và xác lập các giá trị đặc trưng cốt lõi tạo nên tác phong, hình ảnh của học viên Trường Chính trị tỉnh. Đạt được hai mục tiêu trên là then chốt để xây dựng thành công mô hình. Với việc kết hợp thực hiện mô hình này ở đội ngũ cán bộ, giảng viên, trong một thời gian nhất định, những kết quả tích cực của mô hình sẽ góp phần nâng cao uy tín, vị thế và tạo được sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền đối với Nhà trường. Do đó, mục tiêu thứ ba hoàn toàn có thể đạt được sau khi hoàn thành hai mục tiêu đầu tiên.
Thứ ba, nội dung của mô hình cô đọng, đầy đủ và xúc tích. Đối với học viên, nội dung xây dựng tác phong hình ảnh dựa trên nội quy của Nhà trường là “3 không, 3 có”. “3 không” gồm: không vào lớp muộn, ra sớm; không cẩu thả, không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học. Nội dung của “3 không” nhằm loại bỏ và khắc phục những tác phong xấu, không phù hợp với điều kiện công tác hiện nay. Thực hiện tốt những nội dung của “3 không”, một mặt giúp học viên rèn luyện được tác phong đúng giờ, làm việc có kế hoạch, chỉn chu từ mang, mặc cho đến suy nghĩ và hành động. Đây chính là thái độ tôn trọng bản thân; mặt khác, việc không đi muộn về sớm, tập trung vào công việc, không làm việc riêng chính là thể hiện thái độ tôn trọng người xung quanh. Như vậy, nguyên tắc “3 không” trong nội dung mô hình này đã xây dựng cho học viên một thái độ đúng đắn với tự mình, với mọi người và với công việc.
Nội dung của “3 có” bao gồm: có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tư duy độc lập, sáng tạo; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học. Về cơ bản, nội dung của “3 có” bao phủ hầu hết các mặt cần đạt được của học viên khi học tập, rèn luyện tại Trường Chính trị tỉnh. Thực hiện các nội dung của nguyên tắc “3 có” giúp học viên gặt hái được tối đa những kiến thức mà thầy cô truyền thụ trong thời gian học tập tại Nhà trường, lợi ích trước mắt sẽ mang đến kết quả học tập tốt, một tấm bằng đẹp; lợi ích lâu dài là bồi đắp thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn, có những bước tiến lớn về nhận thức chính trị, đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ cao hơn của cơ quan, đơn vị.
Thực hiện tốt các nội dung quy định “3 không, 3 có”, về cơ bản sẽ tạo nên tác phong, hình ảnh đẹp cho người học viên và góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ trong quá trình công tác sau này.
Thứ tư, cách thức thực hiện mô hình khoa học, sát với thực tiễn và có nhiều thuận lợi về cơ sở lý luận. Có thể khái quát việc triển khai thực hiện mô hình theo ba bước:
Bước 1: Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng về tác phong, hình ảnh của cán bộ, đảng viên; đồng thời, kết hợp với tổng kết thực tiễn của Nhà trường để hình thành và nhận thức về mô hình.
Bước 2: Hiện thực hóa mô hình bằng những hoạt động cụ thể, vừa xây dựng, vừa lan tóa tác phong hình ảnh của cán bộ, giảng viên, học viên.
Bước 3: Tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện xây dựng mô hình để khái quát hóa, thể chế hóa tiến tới thực hiện đồng bộ và thống nhất. Triển khai thực hiện mô hình theo ba bước như trên thể hiện tính biện chứng, khách quan và khoa học; đồng thời, cũng bám sát với thực tiễn giảng dạy và học tập tại Nhà trường.

Hình ảnh đẹp về trang phục của tập thể lớp TCLLCT A1-K51
Trong quá trình học tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, học viên được trang bị những kiến thức nền tảng về tác phong, hình ảnh của cán bộ, đảng viên, kết hợp với liên hệ thực tế, chia sẻ tổng kết thực tiễn. Thông qua những buổi lên lớp trực tiếp của các thầy trong Ban giám hiệu, học viên hoàn toàn nắm bắt được những phương châm, phương pháp nhằm xây dựng tác phong, hình ảnh của học viên. Đồng thời, Nhà trường cũng luôn quan tâm tổ chức các hoạt động như: hội nghị chuyên đề, các phong trào thi đua, nghiên cứu sách, tập san. Đây là những hoạt động cụ thể, hiện thực hóa việc xây dựng và lan tỏa tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên, học viên.
Từ việc nhận thức về mô hình “Xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa”, tập thể lớp TCLLCT A1-K51 đã có những hoạt động cụ thể trong việc triển khai thực hiện mô hình. Ngay trong những tuần đầu tiên của khoá học, lớp đã bám sát mục tiêu, nội dung và cách thức để xây dựng tác phong, hình ảnh của người học viên Trường Chính trị tỉnh. Theo đó, học viên đã rất quyết tâm trong duy trì nội quy, kỷ luật, tác phong học tập; do đó, tinh thần học tập, tham gia phát biểu xây dựng bài rất cao. Lớp đã tham quan phòng Truyền thống, nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử Nhà trường; tổ chức buổi sinh hoạt nghiên cứu tìm hiểu tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Minh chứng và đóng góp thêm vào quá trình tổng kết thực tiễn để phát triển mô hình “Xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa” đó là, A1 là lớp đầu tiên của khoá 51 đạt danh hiệu Tập thể lớp kiểu mẫu! Kết quả bước đầu này của tập thể lớp TCLLCT A1-K51 sẽ là tiền đề quan trọng để học viên không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, xây dựng tác phong, hình ảnh của người cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay./.
Học viên: Nguyễn Ngọc Linh
Lớp: TCLLCT A1-K51
Đơn vị: Bệnh viện Ung bướu Thanh Hoá
Các tin khác
- Từ những bỡ ngỡ ban đầu đến phút chia xa đầy lưu luyến!
- Thực trạng và giải pháp nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa hiện nay
- Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Quảng Nham I
- Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đưa xã Tam Chung, huyện Mường Lát thoát nghèo nhanh, bền vững
- Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Kho bạc Nhà nước khu vực X trong giai đoạn hiện nay
- Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ ở Trường Trung học cơ sở Quảng Châu hiện nay
- Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Trường Mầm non Trường Sơn
- Trường Mầm non phường Hoằng Đại, thành phố Thanh Hoá học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần tự lực, tự cường
- Thực trạng và giải pháp phát triển công tác đoàn của Đoàn Thanh niên xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc
- Đẩy mạnh chuyển đổi số tại thành phố Sầm Sơn
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
648
Hôm qua:
1412
Tuần này:
5409
Tháng này:
41907
Tất cả:
5.340.181